Lạm quyền tự do ngôn luận cũng là một biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị
Việc hiểu đúng tự do ngôn luận không chỉ là tôn trọng quyền lợi cá nhân mà còn là sự nhận thức về trách nhiệm đạo đức và pháp luật trong việc sử dụng quyền này. Tự do ngôn luận không phải là tự do tùy tiện phát ngôn mà là một trách nhiệm được thực hiện theo các chuẩn mực pháp lý và đạo lý, qua đó góp phần bảo đảm an ninh tư tưởng-văn hóa và giữ vững ổn định trật tự xã hội.
(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

HỆ QUẢ "VẠ MIỆNG" VÌ LẠM QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN

Những năm gần đây, một bộ phận người dân, trong đó có một số công chức, viên chức, nhà văn, nhà báo, luật sư... đã lạm dụng quyền tự do ngôn luận để phát ngôn vô lối trên mạng xã hội, kể cả phát ngôn gây thù ghét, thông tin sai sự thật, đưa ra ý kiến tùy tiện với dụng ý xấu, kể cả chống phá Đảng, Nhà nước.

Tháng 8/2022, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng đã xử phạt vi phạm hành chính với mức 7,5 triệu đồng đối với một nhà báo đăng tải bài viết về việc Đà Nẵng đề xuất mở "phố đèn đỏ" trên mạng xã hội. Theo cơ quan chức năng, bài viết của nhà báo này có những nội dung sai sự thật, hình ảnh đăng tải nhạy cảm, không kiểm chứng làm người đọc hiểu sai vấn đề, gây ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo điều hành của thành phố Đà Nẵng đối với sự phát triển du lịch.

Mới đây, một luật sư nguyên là Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội bị khởi tố, bắt giam trong vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” xảy ra tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Theo Bộ Công an, bị can này đã có hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng các quyền tự do dân chủ, đăng tải những bài viết trên Facebook xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Không riêng ở Việt Nam, sự phát ngôn tùy tiện, thông tin sai sự thật cũng xảy ra ở nhiều quốc gia khác và các trường hợp này cơ bản đã bị xử lý nghiêm khắc.

Tháng 7/2023, Hamdan Al Rind-một người có ảnh hưởng trên mạng, chủ kênh chia sẻ video nổi tiếng “Chuyên gia ô tô” trên mạng xã hội TikTok với hơn 2,5 triệu người theo dõi-đã bị bắt ở Dubai vì một video hài. Trong clip này, anh ta ném những chồng hóa đơn cho những nhân viên đang ngơ ngác và đề nghị mua chiếc xe đắt nhất-một chiếc Ferrari SF90 trị giá 600.000USD. Clip được cho là sản xuất nhằm chế giễu lối sống xa hoa tại thành phố nổi tiếng với những tòa nhà chọc trời và những điểm du lịch hàng đầu thế giới này.

Nhà chức trách sau đó buộc tội Hamdan Al Rind đã “lạm dụng internet” bằng cách đăng thông tin “khuấy động dư luận và gây tổn hại đến lợi ích công cộng”. Hãng thông tấn nhà nước WAM đưa tin, clip này “quảng bá một hình ảnh tinh thần sai trái và xúc phạm về công dân Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và chế giễu họ”. Vụ bắt giữ Hamdan Al Rind dựa trên những quy định tại một đạo luật về tội phạm mạng được Các tiểu vương quốc Arab thống nhất thông qua vào năm 2021.

NHẬN THỨC ĐÚNG VỀ QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN ĐỂ KHÔNG PHÁT NGÔN TÙY TIỆN

Quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của con người được ghi nhận trong nhiều văn bản luật quốc tế. Điều 29 Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 của Liên hợp quốc nêu rõ: “Mỗi người đều có nghĩa vụ đối với cộng đồng, trong khi hưởng thụ các quyền về tự do cá nhân, phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền tự do của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966 cũng quy định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin, ý kiến”.

Tương đồng với quy định quốc tế, tại Việt Nam, các quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận của công dân luôn được Đảng, Nhà nước tôn trọng và bảo đảm. Các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013 đều khẳng định quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 hiến định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Tuy nhiên, quyền tự do ngôn luận không phải là “quyền bất khả xâm phạm” mà phải tuân thủ trong khuôn khổ pháp luật. Quyền tự do ngôn luận, quyền cơ bản của con người đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.

Việc hiểu đúng tự do ngôn luận không chỉ là tôn trọng quyền lợi cá nhân mà còn là sự nhận thức về trách nhiệm đạo đức và pháp luật trong việc sử dụng quyền này. Tự do ngôn luận không phải là tự do tùy tiện phát ngôn mà là một trách nhiệm được thực hiện theo các chuẩn mực pháp lý và đạo lý, qua đó góp phần bảo đảm an ninh tư tưởng - văn hóa và giữ vững ổn định trật tự xã hội.

Tự do ngôn luận không chỉ đơn thuần là việc phát biểu ý kiến mà còn là việc truyền đạt thông tin, kiến thức và quan điểm một cách khách quan, công tâm, trung thực. Tính trung thực và đạo đức trong sử dụng tự do ngôn luận là điều không thể phủ nhận, cần được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là đối với trí thức, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu, luật sư và những người có ảnh hưởng nhất định với cộng đồng, xã hội.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn có một số cá nhân, nhất là một số người nắm “quyền lực thông tin, quyền lực của con chữ” đã sử dụng tự do ngôn luận một cách tùy tiện, thậm chí lợi dụng để phá hoại an ninh tư tưởng và văn hóa. Thời gian qua, một số trí thức, nhà văn, luật sư... đã lợi dụng tự do ngôn luận để phát ngôn, viết bài với nhiều kỹ năng cài cắm thông tin mập mờ, trộn lẫn đúng-sai nhằm mục đích xấu, thậm chí chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Các hành động này không chỉ vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan Nhà nước, danh dự của cá nhân lãnh đạo mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường thông tin và sự ổn định, phát triển của xã hội.

KHÔNG PHẠM VÀO "LẰN RANH ĐỎ" GIỮA TỰ DO NGÔN LUẬN VÀ KỶ LUẬT PHÁT NGÔN

Có thể thấy, việc hạn chế phát ngôn bừa bãi, thông tin tùy tiện trên mạng xã hội là nhằm bảo vệ cộng đồng chứ không chỉ là việc xử lý, trừng phạt những cá nhân có phát ngôn sai trái, xuyên tạc. Những thông tin sai sự thật có thể dẫn đến hành vi lệch chuẩn trong đời sống xã hội. Phát ngôn gây thù ghét, phát ngôn kích động có thể dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật, hành vi bạo lực nhắm vào những nhóm đối tượng cụ thể, hành vi kỳ thị dân tộc, giới tính, xuất thân...

Để hiểu đúng và thực hiện tự do ngôn luận theo hiến pháp, pháp luật, trước hết cần tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về trách nhiệm pháp lý và đạo đức trong việc sử dụng quyền tự do ngôn luận. Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, chặt chẽ về an toàn an ninh trên môi trường số, trong đó nhấn mạnh đến giới hạn cần thiết của quyền tự do ngôn luận. Đồng thời cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng nhằm bảo đảm việc tuân thủ pháp luật một cách nghiêm minh; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm khắc những hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận trên mạng xã hội để thông tin sai sự thật, phá hoại an ninh tư tưởng-văn hóa, chống phá Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc giám sát, phản biện những ý kiến, thông tin được truyền đạt trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Việc này không chỉ giúp làm rõ sự thật mà còn tạo ra một môi trường thông tin lành mạnh và đa chiều, đồng thời giúp ngăn chặn việc lợi dụng tự do ngôn luận để gây rối, phá hoại an ninh tư tưởng-văn hóa.

Quan tâm xây dựng mạng lưới những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOLs) tham gia phòng, chống thông tin sai trái, phát ngôn gây thù ghét, những hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận để bôi nhọ chế độ, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc... Những KOLs sẽ chủ động phát hiện, chủ động đấu tranh với thông tin sai trái, xấu độc; đồng thời lan tỏa những thông tin đúng đắn, tích cực đến cộng đồng.

Hiểu đúng tự do ngôn luận và phòng ngừa tự do phát ngôn tùy tiện gây tác hại đến an ninh tư tưởng-văn hóa là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh. Qua việc tăng cường trách nhiệm xã hội và đạo đức công dân trong sử dụng tự do ngôn luận, cũng như áp dụng các biện pháp quản lý và giám sát hợp lý, chúng ta có thể tạo ra một môi trường truyền thông lành mạnh, an toàn, đồng thời bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, giữ gìn chuẩn mực đạo đức xã hội.

Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, việc hiểu đúng quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức, cũng như tuân thủ nghiêm túc kỷ luật phát ngôn ở mọi lúc, mọi nơi là việc làm thiết thực góp phần giữ vững môi trường thông tin xã hội lành mạnh; đồng thời cũng là một cách góp phần phòng ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị./.

ThS.TRẦN ANH TÚ (qdnd.vn)

  • Từ khóa :
Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập