Quảng Lạc: Gìn giữ nét đẹp văn hóa của đồng bào Mường
Đồng bào dân tộc Mường ở xã Quảng Lạc (Nho Quan) có những phong tục, tập quán rất riêng, tạo nên bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng. Những nét đẹp ấy đã được địa phương chắt lọc và đưa vào hương ước, quy ước để mọi người dân đều có trách nhiệm thực hiện, giữ gìn.
Quảng Lạc: Gìn giữ nét đẹp văn hóa của đồng bào Mường

Xã Quảng Lạc phục dựng lại đám cưới truyền thống. Ảnh: Hồng Vân

Xã Quảng Lạc có trên 70% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Mặc dù có rất nhiều nét văn hóa truyền thống cần gìn giữ nhưng cũng tồn tại không ít những hủ tục. Những năm qua, địa phương đã có nhiều nỗ lực để "gạn đục, khơi trong" phát huy những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường, đồng thời mạnh dạn loại bỏ những hủ tục, hướng tới xây dựng nếp sống văn hóa mới, nhất là trong việc cưới, việc tang. 

Ông Bùi Hồng Y, nguyên là Trưởng thôn, người uy tín lâu năm ở thôn Đồng Bài. Ông Y kể rằng đối với đồng bào dân tộc Mường, lễ cưới hỏi là một việc rất hệ trọng, có tính gắn kết cộng đồng rất cao, nhưng cũng tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu. Gia chủ tổ chức hôn lễ không nặng nhẹ vấn đề kinh tế, mà chỉ cố gắng tổ chức cho lễ cưới thật vui, thật đông đủ. Các lễ lạt cho một đám cưới khá rườm rà gồm: ngày dạm ngõ, ngày thách cưới, ngày đưa trầu, ngày xin cưới… và sau mỗi lễ ấy, gia chủ lại phải làm cỗ đến vài chục mâm để thiết đãi làng. Vậy nên, một đám cưới được tổ chức thường phải mất từ 1 đến 2 tuần. Tổ chức đám cưới rình rang gây lãng phí về thời gian, công sức và tiền của. 

Để có điều kiện tổ chức đám cưới cho con, có nhà phải đi vay tiền hoặc vay lợn. Đã là tập tục thì dù gia đình khá giả hay gia đình còn khó khăn cũng phải tổ chức như nhau. Bởi vậy, với nhiều hộ gia đình, bên cạnh niềm vui, hạnh phúc khi được tổ chức lễ cưới hỏi cho con lại là nỗi lo lắng khó chia sẻ cùng ai. Bên cạnh đó, trước đây tục tảo hôn, ép duyên vẫn còn nhiều. Trai gái nên duyên vợ chồng nhờ tình yêu thì hiếm lắm. Chủ yếu là do bố mẹ hai bên thấy "hợp" là tác thành khi tuổi đời của các đôi uyên ương còn rất trẻ. Đó còn chưa kể, trong đám cưới còn dùng rất nhiều thuốc lá, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế, môi trường.

Nhưng đó đã là câu chuyện của nhiều năm về trước. Giờ đây, đồng bào Mường ở Quảng Lạc đã loại bỏ được nhiều hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang nhờ bám sát và thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12/1/1998 của Bộ Chính trị "Về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội" (gọi tắt là Chỉ thị 27) và coi đây là cuốn "cẩm nang" bổ ích đồng hành cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Lạc trong cuộc chiến xóa bỏ những hủ tục lạc hậu. Những nội dung cối lõi được chắt lọc để các thôn, bản đưa vào hương ước để bà con hiểu và có trách nhiệm làm theo. 

Nhờ đó, hiện nay, xã Quảng Lạc đã loại bỏ hoàn toàn một số hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu rườm rà, đã rút ngắn thời gian việc cưới xuống chỉ còn từ 1 đến 1,5 ngày. Nghi thức cưới theo phong tục cổ truyền chỉ còn rút lại từ 2 đến 3 bước là: dạm ngõ, ăn hỏi và cưới. Trong các đám cưới, nhiều nét văn hóa độc đáo đã được khôi phục như: hát đúm, giao duyên, mặc trang phục truyền thống… 

Đặc biệt, về độ tuổi kết hôn đều thực hiện nghiêm chỉnh Luật Hôn nhân và gia đình: nam từ 20 tuổi trở lên và nữ từ 18 tuổi trở lên. Ở nhiều thôn, bản, các đoàn thể đã phát huy vai trò của mình trong việc thực hiện nếp sống văn minh như không có thuốc lá trong đám cưới đã giúp cho nhiều gia đình tiết kiệm được những khoản chi phí không cần thiết. Một sự chuyển biến tích cực nữa, đó chính là các bậc phụ huynh đã quan tâm nhiều hơn nữa đến hạnh phúc lứa đôi của con trẻ, bằng cách tạo điều kiện cho các con tự do tìm hiểu, kết hôn trên cơ sở tình yêu.

Mới đây, xã Quảng Lạc cũng đã phối hợp với các phòng chức năng của huyện phục dựng lại đám cưới truyền thống của đồng bào Mường. Người trẻ hôm nay được chiêm ngưỡng, trải nghiệm một đám cưới truyền thống mang đậm sắc màu dân tộc Mường với khá nhiều thủ tục cầu kỳ, nhưng không còn những hủ tục lạc hậu như trước đây nữa.

Quảng Lạc Gìn giữ nét đẹp văn hóa của đồng bào Mường
Các thiếu nữ Mường ở Quảng Lạc xinh xắn trong bộ trang phục truyền thống. Ảnh: Hồng Vân

 

Ông Bùi Văn Gạc, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lạc chia sẻ: Những năm qua, các thôn, bản nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống rất chú trọng tới công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm giúp đồng bào hiểu và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Đặc biệt, các thôn đã phát huy vai trò tự quản của cộng đồng tham gia vào việc xây dựng, thực hiện quy ước, hương ước, trong đó có những nội dung, quy định cụ thể về việc bảo tồn các giá trị văn hóa.

Trên cơ sở các hương ước, quy ước đã được các thôn xây dựng, hàng năm xã tích cực chỉ đạo các thôn thực hiện sửa đổi, bổ sung vào hương ước các nội dung về văn hóa ứng xử và xây dựng nông thôn mới. Những nội dung, quy định không còn phù hợp sẽ được thay thế bằng nội dung mới phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại, văn minh. Từ đó, ý thức cộng đồng, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cũng như sự gắn bó, tình làng nghĩa xóm ở từng khu dân cư được vun đắp và khơi dậy. Các hủ tục lạc hậu giảm hẳn. Người dân càng phấn khởi và có ý thức hơn trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đặc biệt, để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, từ nhiều năm nay, các thôn của xã Quảng Lạc đều thành lập được các CLB văn hóa, văn nghệ, TDTT dân tộc Mường. Các CLB đã thu hút đông đảo thành viên ở mọi lứa tuổi tham gia. Các thành viên trong CLB tự nguyện đóng góp kinh phí để củng cố đội cồng chiêng, mua sắm trang phục và biểu diễn trong những dịp lễ, Tết, hội làng.

Bà Bùi Thị Thúy, Trưởng thôn, người uy tín thôn Đồng Bài chia sẻ: Vào dịp lễ, Tết, tại các nhà văn hóa thôn đã diễn ra nhiều hoạt động vui chơi, những hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào Mường như: đánh cồng chiêng, đẩy gậy, đi cà kheo, hát đúm, ném còn… được đồng bào yêu thích và nhiệt tình tham gia. Đặc biệt, những năm gần đây, nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mường luôn có sức hấp dẫn lớn đối với du khách trong và ngoài nước. Bản sắc văn hóa cũng mở ra cơ hội để chúng tôi làm du lịch cộng đồng thông qua việc khai thác các giá trị văn hóa đặc trưng, tạo nguồn lực phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống. Không chỉ biểu diễn phục vụ khách du lịch ở địa phương, CLB còn nhận lời mời biểu diễn tại nhiều sự kiện của các địa phương khác trong và ngoài tỉnh. 

Với những nỗ lực đó, hiện nay đồng bào Mường ở Quảng Lạc đã khôi phục được nhiều nét văn hóa đặc sắc từng có thời gian đối diện với nguy cơ mai một. Cụ thể, đồng bào Mường đã đưa tiếng cồng, chiêng trở lại trong các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Có trên 80% người dân tộc Mường sử dụng trang phục truyền thống khi tham gia các hoạt động cộng đồng; 90% hộ gia đình là người dân tộc Mường thường xuyên giao tiếp bằng tiếng dân tộc Mường trong sinh hoạt hằng ngày, trong đó chú trọng tổ chức các hoạt động truyền dạy cho các thế hệ thanh, thiếu niên, nhi đồng...

Đào Hằng

  • Từ khóa :
Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập