Đối với những người phụ nữ dân tộc Mường ở Quảng Lạc, trang phục luôn là một phần khá quan trọng trong văn hóa của đồng bào. Bộ trang phục truyền thống luôn được các phụ nữ nâng niu, chăm chút và được họ "diện" vào các dịp ngày hội mùa, ngày lễ Tết. Do vậy, những người có thể may trang phục người Mường không hiếm, nhưng biết may bộ trang phục đẹp, làm vừa lòng "các bà, các mế", được họ tin tưởng không phải dễ. Trường hợp chị Hoa là một ngoại lệ.
Tâm sự về cơ duyên đến với nghề may trang phục truyền thống cho phụ nữ Mường, chị Hoa cho biết: Ban đầu, có một số bà con đến may quần áo thông thường, rồi có người mang đến một bộ trang phục, đặt hàng tôi phải may y hệt như bộ trang phục mẫu. Tất nhiên tôi đã hoàn thành. Người mặc nó thấy đẹp nên giới thiệu nhiều người đến may. Khi có nhiều người đặt hàng, tôi càng phải để tâm nghiên cứu đặc thù của bộ váy áo Mường để may cho đẹp hơn và cái chính là đáp ứng được yêu cầu thẩm mỹ của khách hàng.
"Thực ra, trang phục truyền thống của người Mường mới nhìn tưởng đơn giản, nhưng khi may, có khá nhiều chi tiết phức tạp. Đặc biệt, nếu bộ váy áo sử dụng chất liệu lụa, thổ cẩm, với những hoa văn đặc thù, nếu không có hiểu biết rất khó may được đẹp. Một điểm đáng chú ý nữa là hiện ở xã Quảng Lạc, phụ nữ hầu như không còn ai dệt thổ cẩm để tự may váy áo như trước. Do vậy, để thực hiện được bộ váy áo người Mường, tôi phải lên tận Hòa Bình mua thổ cẩm do người Mường Hòa Bình dệt, nhuộm bằng các kỹ thuật truyền thống về để may.
Việc chọn vải may cũng phải rất kỹ càng. Thổ cẩm truyền thống dệt bằng khung cửi, sợi tơ được nhuộm, hấp từ lá cây rừng, chất liệu từ tự nhiên nên rất bền và ít phai màu. Một bộ váy áo mặc dăm bảy năm vẫn giữ được màu. Trang phục mà phụ nữ Mường ở Quảng Lạc yêu thích là màu váy đen-áo trắng, dải thắt eo lưng bằng hoa văn thổ cẩm màu sặc sỡ..." - chị Hoa chia sẻ.
Bàn về bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Mường, bà Bùi Thị Năm, Chủ nhiệm CLB văn hóa Mường, xã Quảng Lạc cho biết: Trước đây, để có một bộ váy áo của dân tộc mình, chúng tôi phải thực hiện nhiều công đoạn, từ trồng dâu, nuôi tằm, lấy kén, se tơ, nhuộm và tự khâu vá bộ váy áo của mình. Tuy nhiên, bước sang thời hiện đại, việc may một bộ váy áo như vậy tốn quá nhiều thời gian, công sức, nên không còn nhiều người giữ thói quen tự may trang phục nữa.
Để có một bộ trang phục truyền thống, chúng tôi chuyển sang đặt hàng những người thợ khéo tay như chị Hoa. Về chất liệu vải, tất nhiên vẫn là vải thổ cẩm theo yêu cầu, nhưng về kỹ thuật may thì tùy vào sự sáng tạo của người thợ, miễn là bộ váy áo vẫn giữ được nét đặc trưng về văn hóa của người Mường. Và cái chính là được các phụ nữ Mường chấp nhận, yêu thích, cảm thấy mình duyên dáng hơn khi diện bộ trang phục của dân tộc mình...
Theo chị Hoa, để may một bộ váy áo Mường, không đơn thuần chỉ là kỹ thuật may một bộ quần áo, mà còn phải nghiên cứu tâm lý, thói quen sinh hoạt thì mới phát huy được công năng sử dụng của bộ trang phục. Thông thường, bộ trang phục truyền thống chỉ được phụ nữ Mường mặc vào các dịp lễ hội, ngày cưới, hỏi, đình đám, ngày hội mùa, ngày Tết... Do vậy, cần lưu ý các đặc điểm này trong quá trình sử dụng trang phục của bà con, để may sao cho bộ trang phụ vừa đẹp, nhưng phải tiện lợi, kín đáo khi ăn vận. Việc phối màu trang phục vẫn phải tuân thủ nguyên tắc hoa văn truyền thống của người Mường, phù hợp với tâm lý, thị hiếu thẩm mỹ của phụ nữ người dân tộc thiếu số.
Trong quá trình may, tôi cũng đã có những cải tiến nhất định trong kỹ thuật may, nhưng cái chính là vẫn giữ được các nét văn hóa truyền thống và được phụ nữ Mường chấp nhận. Nhiều người tỏ ra ưng ý với bộ trang phục mà tôi thực hiện, kể cả các bà, các mế trước kia từng tự dệt sợi và tự khâu trang phục truyền thống. Tại Quảng Lạc có 9 thôn thì có 8 thôn có đông đồng bào dân tộc Mường, hầu hết bà con thường may váy áo ở chỗ tôi. Ngoài ra, nhiều phụ nữ Mường ở xã Cúc Phương, Thạch Bình cũng đặt hàng tôi may trang phục. Những năm gần đây, tôi còn nhận may trang phục cho nhiều phụ nữ người Mường của huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa), huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình), với số lượng hàng trăm bộ.
Trang phục của một dân tộc là một phần của văn hóa truyền thống. Và những người biết may bộ trang phục truyền thống đẹp như chị Nguyễn Thị Hoa, cũng chính là người góp phần bảo tồn nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Mai Phương