Tôi không hẳn là người mê hát, nhưng tôi thèm được đi xa khỏi cái chật chội của phố thị. Thèm cái không gian thoáng rộng núi đồi, làng bản! Thèm vị rượu men lá ủ hương mật ong! Nhớ vị xôi trứng kiến đẫm hương vị thổ ngơi! Và trên tất cả, ở đó tôi có những người bạn. Những người bạn luôn chào đón tôi với tất cả sự nhiệt tình, chân chất, nhất mực chân thành của người vùng cao. Tấm lòng của họ thật như vị cay nồng của rượu ngô ủ hương xuân.
Cùng với tiết xuân khai, mùa Đúm năm nay về sớm, khi những vạt đồi trơ sỏi đá, dưới mưa xuân mầm cỏ đã cựa mình. Và hoa xoan đã tím rắt trong mỗi con ngõ dẫn đến những nếp nhà sàn. Hội Đúm này là mùa thứ hai phường Đúm các Mường tìm về sau một khoảng thời gian rất dài lũ trai làng, gái bản mải "tha hương cầu thực" mà trót quên mùa Đúm.
Đám con gái được dịp lần giở lại nếp xiêm áo đã cất từ mùa hội trước. Và những thanh nữ mơ màng khi tưởng đến phút giây được xúng xính áo xiêm vào hội. Còn lũ trai bản thì được thả sức mềm môi vít cong cần rượu. Uống thứ nước men rừng. Uống tràn thứ "nước giời" được chưng cất từ hạt lúa nương, khiến bước chân các trai bản thêm khỏe khoắn, có thể đạp rừng, vượt dốc đến những bản lạ.
Nơi mùa xuân đổ tràn tiếng sáo gọi mời. Nơi vách liếp nhà sàn có những người bạn đang chờ đợi. Vì một lời hẹn từ mùa hội trước. Hội Đúm không những làm xốn xang lũ trai gái tuổi đương xoan, mà còn làm sống lại ký ức thanh xuân của cả một lớp người như bà Bùi Thị Năm, thôn Đồng Trung, xã Quảng Lạc...
Trong chén rượu hát mừng các nghệ nhân phường Đúm xã Cúc Phương, Phú Lộc (huyện Nho Quan); huyện Yên Thủy, Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình); huyện Hà Trung, Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa)... về tụ hội có một chút khói sương ký ức của riêng bà Bùi Thị Năm.
Hơn 40 năm trước, cũng mùa hội Đúm nơi đại ngàn Cúc Phương, bà đã gặp một người trai mê hát rồi nên duyên chồng vợ. Nhưng người trai tài hoa ấy cũng chỉ cùng vợ hát được mấy mùa hội Đúm rồi ra đi theo tiếng gọi của ngàn xanh. Cô gái họ Bùi không chịu được cảnh vò võ nơi đất khách đã lần trở lại quê nhà Quảng Lạc, lặng lẽ thờ chồng, lầm lụi nuôi con.
Mỗi mùa Đúm cô vẫn thường đi hát. Giọng Đúm vẫn trong như nước dưới khe sâu, vút cao như gió ngàn, nhưng hát cũng là cách làm vợi nỗi cô đơn, buồn nhớ. Trong chén rượu giao tình mùa hội, người Quảng Lạc lại nhắc nhớ về câu chuyện tình đẹp như cổ tích 35 của nghệ nhân Quách Công Khai.
Nhớ mùa hội Đúm những năm xa, chàng trai Quách Công Khai hát hay nức tiếng đất Quảng Lạc đạp rừng đi hát. Vì mê giọng Đúm của chàng mà có người thiếu nữ đất Hà Long đã theo về làm bầu bạn. Chuyện tình của vợ chồng cụ Khai chỉ là một trong muôn vàn lứa đôi đã nên duyên từ mùa hội Đúm.
Hát Đúm với họ không chỉ là mùa hội Xuân mà còn ký ức, là một phần cuộc đời của mỗi người con bản Mường. Điều đó cũng lý giải vì sao suốt một thời gian dài, hội Đúm không mở nhưng trai gái bản Mường chẳng ai quên Đúm. Mùa xuân này, phường Đúm không gặp cụ ông, cụ bà đi hát, mà chỉ có người con gái mang "gen hay hát" của ông bà lặn lội mãi từ quê chồng Cúc Phương về dự hội.
Mùa Đúm năm 2020, khi bà Bùi Thị Năm, một người yêu thiết tha văn hóa Mường đã dành tâm huyết mời những phường Đúm từ mường Trong mường Ngoài về tụ hội, hát Đúm bỗng được hồi sinh. Sự hồi sinh nhanh đến ngỡ ngàng. Và tôi tin, từ sau ngày hội Đúm đáng nhớ ấy, nhiều người sẽ không còn ngoảnh mặt với hát Đúm nữa.
Bởi trong lòng mỗi người, ai chẳng giữ một phần kỷ niệm mùa hội thuở thanh tân. Ai chẳng có một điệu hát cho riêng mình trong suốt phần đời còn lại. Mùa Đúm không chỉ là mùa hát hội mà còn là mùa của bạn bè, hò hẹn, giao tình. Là sợi dây văn hóa nối kết các Mường, là hành trình trở về nguồn cội. Có Đúm, sắc Xuân trên vùng cao như đẹp hơn, như nhịp chiêng ngân trên các nhà sàn, như tiếng sáo gọi bạn tình đêm xuân vời vợi!
Mai Phương